Để giúp bạn có kế hoạch ôn tập và làm bài thi hiệu quả, bài viết xin chia sẻ một số kinh nghiệm ôn luyện của thủ khoa khối B. Hãy cùng tham khảo nhé!
Mục Lục
1. Thủ khoa khối B năm 2018- phản xạ nhanh là yếu tố quyết định
Lê Bá Hoàng là thủ khoa khối B toàn quốc với số điểm cực kỳ ấn tượng: Toán 9,8 – Hóa 10 – Sinh 9,75 đã xuất sắc giành tiếp ngôi vị thủ khoa đầu vào Đại học Y Hà Nội ngành Y đa khoa
Trong danh sách 1.172 thí sinh trúng tuyển Đại học Y Hà Nội, thí sinh đạt điểm đầu vào cao nhất là Lê Bá Hoàng – 29,55 điểm. Đây cũng chính là thủ khoa khối B toàn quốc trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018: (Toán 9,8 – Hóa: 10 – Sinh 9,75).
Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi THPT Quốc gia, Hoàng cho biết, đối với các môn Khoa học Tự nhiên thi theo hình thức trắc nghiệm nên phải luyện tập làm đề thường xuyên để tăng tốc độ phản xạ và làm quen với thời gian làm bài. Bên cạnh đó, luôn phải giữ đầu óc tỉnh táo và minh mẫn để có thể tạo một tâm lý ổn định, vững vàng để đi thi. Yếu tố may mắn chỉ chiếm vai trò phù trợ.
Kiến thức trong SGK chỉ chiếm 60-70% lượng kiến thức trong đề . Bên cạnh kiến thức sách giáo khoa thì cần phải luyện rất nhiều đề của các trường trên cả nước để gia tăng kiến thức ngoài, luyện tập sự phản xạ khi làm bài.
2. Phương châm “nhanh và chính xác” của thủ khoa khối B năm 2017
Trong kỳ thi năm 2017, Hồ Phi Khánh- ĐH Y Hà Nội là thí sinh duy nhất đạt 3 điểm mười môn Toán, Hóa học và Sinh học.
Khánh chia sẻ, việc học đại học khó hơn học ở phổ thông, nhất là ở trường Y vì tiếp xúc với nhiều môn mới, nặng về lý thuyết nên phải đọc lý thuyết rất nhiều.
“Ở phổ thông được chuẩn bị 3 năm cho 3 môn thi còn đại học chuẩn bị 1 tuần cho một môn thi. Môn tiếng Anh em phải học lại từ đầu để theo được các bạn thành phố nên khá mệt. Em cảm giác thi vào trường Y là một sự lựa chọn đúng đắn để cho mình phát triển hơn” .
Để đạt những điểm 10 tuyệt đối, Khánh không học và cố giải những đề thi thử quá khó, không học ngoài chương trình giới hạn.“Khi làm thử các đề thi, cũng cần phải chọn lọc, đề càng gần với đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT càng tốt” – Khánh chia sẻ.
Cũng theo Khánh, trong ba môn thi, Khánh tự tin nhất với môn Toán và Hóa bởi đã có nền tảng từ trước và chuẩn bị được lượng tài liệu phong phú. Riêng môn Sinh, Khánh cho biết em chỉ tập trung học trước khi thi khoảng 2 tháng.”Mục tiêu của 3 môn đều là nhanh và chính xác”- Khánh nhấn mạnh.
*** Có thể bạn quan tâm: Các môn thi khối B? Cách ôn thi Đại học khối B hiệu quả
3. Thủ khoa khối B năm 2016- bình tĩnh học
Nguyễn Tiến Dũng là cựu học sinh lớp 12A1 trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, em đạt 29,15 điểm khối B và 28,35 điểm khối A (Toán 9,75; Lý 8,8; Hóa 9,8; Sinh 9,6), trở thành thủ khoa khối B cả nước và trúng tuyển vào ngành Bác sĩ đa khoa Đại học Y Hà Nội.Dũng là một trong 250 cá nhân được vinh danh trong lễ tuyên dương nhà giáo, học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Nhìn vào kết quả thi của Dũng, ít ai nghĩ rằng chàng trai này không tham gia học thêm ngoài trường. Em cho rằng học trong trường để nắm kiến thức cơ bản và tự học để nâng cao là phương pháp hiệu quả nhất. Dũng tự học bằng cách giải đề.
Em tìm trên mạng đề thi các năm và xin thầy cô, anh chị đi trước đề thi để ôn luyện. “Luyện đề không chỉ giúp em ghi nhớ kiến thức mà còn tập cho em phản xạ khi làm bài”, Dũng chia sẻ.
“Bình tĩnh học” là phương châm học tập của Dũng. Bình tĩnh ở đây là sự bền bỉ, kiên trì chứ không chộp giật. Nhiều bạn chạy theo hướng ra đề thi, khi thay đổi phương thức thi thì cũng thay đổi ngay lập tức dẫn đến việc dễ loạn kiến thức và thiếu kỹ năng.
Em cho rằng, dù phương án thi thay đổi như thế nào thì lượng kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa cũng không đổi. Vì vậy, thay vì lo lắng hay chạy theo xu hướng, các bạn nên tập trung học tập, ôn luyện trước.
Với những kinh nghiệm ôn luyện của thủ khoa khối B, hi vọng bạn có được những chia sẻ hữu ích để học và làm bài thi hiệu quả.